Tin tức






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
NÉT ĐẸP TRUYỀN THỐNG XÃ ĐỨC THÔNG, HUYỆN THẠCH AN, TỈNH CAO BẰNG
Lượt xem: 56

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, địa danh, địa mạo xã Đức Thông có những biến đổi nhất định. Trước năm 1945, địa bàn xã Đức Thông thuộc xã Đường Âm thuộc châu Thạch An. Tổng xuất tính có 6 xã, trong đó thôn Nà Mèng cũ thuộc xã xuất tính, xã Đường Âm gồm các xóm: Đoỏng Đeng, Bản Tuồm, Nà Pò, Kéo Quý, Sộc Coóc, Nà Cát, Tác Mai, Khuổi Phùm, Cẩu Lặn, Khuổi Phủng. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Xuất Tính được đổi tên thành xã Canh Tân, địa bàn xã Đức Thông thuộc xã Canh Tân. Cuối năm 1958 xã Đức Thông được tách ra thành lập từ xã Canh Tân, lấy tên gọi chính thức là Đức Thông - bí danh của một liệt sĩ thời Pháp là Nông Văn Thởi, xóm Bản Tuồm  gồm các thôn: Khuổi Phùm, Cẩu Lặn, Nà Cát, Sộc Coóc, Kéo Qúy, Khuổi Chắn, Nà Pò, Bản Tuồm, Đoỏng Đeng, Nà Mèng, Khuổi Phủng, Tác Mai.

Thực hiện Nghị quyết 27/NQ-HĐND ngày 19/9/2019 về việc sáp nhập, đổi tên xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng của Hội đồng nhân dân tỉnh. Năm 2019 xã tiến hành sáp nhập xóm Khuổi Phùm vào xóm Cẩu Lặn, xóm Sộc Coóc vào xóm Kéo Quý, xóm Khuổi Chắn vào xóm Nà Pò, xóm Đoỏng Đeng vào xóm Bản Tuồm, ba xóm Khuổi Phủng, Tác Mai, Nà Mèng thành xóm Tân Tiến. Đến nay xã ổn định địa giới và địa danh hành chính với 6 xóm: Bản Tuồm, Cẩu Lặn, Kéo Quý, Nà Cát, Nà Pò, Tân Tiến.

Đức Thông là địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào Tày, Nùng, Dao. Đồng bào Tày, Nùng, Dao có nhiều bản sắc văn hóa truyền thống, tạo nên sức hấp dẫn, độc đáo riêng của vùng đất này.

Nhân dân xã Đức Thông đã gắn bó với thiên nhiên, canh tác theo tập quán tự cấp, tự túc các cây lương thực chính chủ yếu là lúa, ngô, khoai sắn, là địa phương có những nghề truyền thống như đan lát, có các đặc sản của địa phương như cam, quýt, thạch đen,... Bên cạnh lương thực chính trong các bữa ăn hàng ngày là gạo tẻ, gạo nương, người Tày, Nùng, Dao đã tạo ra nhiều món ăn từ gạo nếp mang bản sắc riêng như: xôi màu (khẩu nua đăm đeng, bánh chưng, bánh gai, pẻng đẳng, bánh khảo. Bên cạnh đó còn có các món được chế biến cầu kỳ như: khau nhục, vịt quay, lợn quay.... Ẩm thực không chỉ phản ánh những nét đẹp văn hóa của người Tày, Nùng, Dao mà nó còn phản ánh cuộc sống lao động sản xuất của con người nơi đây.

Nhà truyền thống của đồng bào Tày, Nùng, Dao nơi đây chủ yếu là nhà sàn. Ngôi nhà sàn thường được làm bằng gỗ, có hai hoặc bốn mái, sàn lát ván, lợp ngói âm dương thủ công, tựa lưng vào sườn núi. Phía trước nhà là sàn được làm bằng tre, vầu vừa làm nơi phơi thóc, lúa, ngô, khoai, vừa là nơi gia đình quần tụ hóng mát, vừa là chỗ cho trẻ con vui đùa.

Trong nhà, mỗi gian đều có chức năng riêng: gian giữa dùng làm bàn thờ, để cầu nguyện ông bà tổ tiên phù hộ cho gia đình an lành, ấm no và hạnh phúc. Còn các gian phụ được dùng để sinh hoạt, để thóc lúa, quần áo; Gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất như cuốc xẻng, nhốt gia cầm chủ yếu để tránh các loại thú dữ ăn thịt. Tuy nhiên hiện nay, để đảm bảo vệ sinh môi trường, chuồng trại chăn nuôi đã được dời vị trí ra xa nhà. Ngôi nhà không chỉ là nơi che chở nắng mưa, mà còn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa, tinh thần độc đáo của đồng bào. Trong việc xây dựng nhà cửa, đồng bào đều tính toán kỹ lưỡng việc xem tuổi vợ, chồng. Khi vào nhà mới chọn được ngày lành, tháng tốt, tổ chức rước các bát hương tổ tiên vào trước và khi vào có một bó đuốc đang cháy, đồng thời có từ 2 họ trong làng cùng nhóm bếp lên tượng trưng cho sự đông vui đoàn kết, làm ăn phát đạt.

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất của đồng bào các dân tộc xã Đức Thông ngày càng được nâng cao. Sự phát triển của kinh tế đã kéo theo những biến đổi về đời sống xã hội, có nhiều ngôi nhà được xây dựng, đổi mới, nâng cấp, dẫn đến sự đan xen giữa nét kiến trúc truyền thống - hiện đại. Tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn khuyến khích người dân giữ lại nét văn hóa, kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào nơi đây.

anh tin bai

Duyên dáng sắc chàm dân tộc Tày

Về trang phục: Trang phục truyền thống của đồng bào Tày, Nùng xã Đức Thông chính là những bộ quần áo chàm duyên dáng. Tuy cùng mang sắc chàm đặc trưng, song đối với mỗi dân tộc, màu chàm lại được thể hiện qua những bộ trang phục theo kiểu dáng và sắc thái khác nhau. Người phụ nữ Nùng thường mặc áo năm thân và cài một hàng cúc bằng nút vải phía bên nách phải, cổ tay áo có 3 vạch trắng (biểu tượng cho hoa văn bằng bạc), trên đầu đội khăn vương, cổ đeo vòng bạc, tay, chân và tai cũng đeo vòng bằng bạc. Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không có thêu thùa, trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn bên trong và áo dài ở bên ngoài, cuốn chéo nách vai. Đàn ông mặc quần kiểu lá tọa, bổ đũng, dài tới mắt cá chân; trên đầu quấn khăn màu đen.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao đỏ được trang trí bằng nhiều hoa văn phong phú. Màu sắc cơ bản là màu chàm, màu đỏ và trắng. Có khăn quấn đầu, phần ngực được trang trí tỉ mỉ, đẹp mắt với chuỗi bông đỏ được gắn trên áo của phụ nữ cùng nhiều chi tiết thể hiện sự khéo léo và tài năng thêu thùa của người phụ nữ dân tộc Dao đỏ. Trên chất liệu vải chàm thô cùng với kỹ thuật tạo hoa văn từ thêu, chắp ghép và những trang sức, người phụ nữ Dao đỏ đã thể hiện được sự khéo léo, tinh tế, gửi mọi tâm tư tình cảm và những khát vọng sống của mình trong những họa tiết rất phong phú, đa dạng. Nam phục của người Dao đỏ chủ yếu là màu chàm với họa tiết đơn giản.

Ngày trước, các dân tộc trong xã còn tự trồng cây chàm để nhuộm vải và sử dụng khung cửi để dệt vải quay tơ. Ngày nay để phù hợp với thời đại và để thuận tiện hơn trong sản xuất và sinh hoạt đồng bào các dân tộc ở Đức Thông thường mặc đồ may sẵn kiểu âu, trang phục truyền thống chỉ được sử dụng trong những ngày lễ, tết. Nhân dân các dân tộc vẫn lưu giữ được những nét văn hoá truyền thống phong phú và đặc sắc. Chính các phong tục tập quán, tín ngưỡng… đó vừa tạo nên những sợi dây góp phần gắn kết đồng bào các dân tộc nơi đây, đồng thời, là nền tảng tinh thần quan trọng để xã Đức Thông vững bước đi lên, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Trong quá trình hình thành thôn bản, quần tụ dân cư và chung tay phát triển kinh tế - xã hội, nhân dân các dân tộc xã Đức Thông đã hình thành các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa tiêu biểu, vừa có tính đặc thù mang bản sắc quê hương, vừa phản ánh nét văn hóa chung của vùng đất Cao Bằng.

Thứ nhất, đó là truyền thống đoàn kết, gắn bó với nhau rất chặt chẽ, tạo nên một cộng đồng bền vững.

Người Tày, Nùng, Dao đến khai phá vùng đất này đã sớm đoàn kết, gắn bó với nhau về ý chí và sức lực để tồn tại giữa muôn trùng lam sơn chương khí của vùng biên ải, cùng nhau khai phá đất đai, lập làng, lập bản. Tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong xã Đức Thông là một nhu cầu tự nhiên và đã trở thành truyền thống tốt đẹp của đồng bào nơi đây. Trên cơ sở tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết ấy, đồng bào đã bền bỉ trong cải tạo thiên nhiên, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống thiên tai, biến nhiều vùng đất hoang rậm thành các cánh đồng, các bản làng trù phú.

Truyền thống đoàn kết, gắn bó của đồng bào các dân tộc xã Đức Thông như một sợi chỉ đỏ, xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong cộng đồng làng xã, tạo dựng cho quê hương ngày càng phát triển.

Truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất

Đồng bào dân tộc xã Đức Thông vốn có truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động, sản xuất. Với tinh thần dũng cảm, cần cù, bền bỉ, khéo léo, các thế hệ đầu tiên đến khẩn hoang vùng đất này không chỉ dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có của núi rừng để khai thác kiếm sống mà đồng bào đã trải qua những ngày tháng chặt cây, phát cỏ, đào phai, đắp bờ, từng bước chiến thắng thiên nhiên hoang dã. Đồng bào đã biến những triền đất, vạt rừng nhiều muỗi mòng, rắn rết thành những vùng đất trồng lúa, trồng cây ăn quả màu mỡ.

Truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng

Để có được cuộc sống bình yên, xây dựng quê hương như ngày hôm nay, nhân dân các dân tộc xã Đức Thông qua các thế hệ nối tiếp nhau, cùng nhân dân trong huyện, trong tỉnh và cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng, phát triển và hun đúc thành truyền thống quý báu của người dân nơi đây. Cũng chính tình yêu quê hương đất nước là chất keo cố kết cộng đồng và là bệ đỡ cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Đức Thông trong lịch sử.

Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, các thế hệ những người con của quê hương Thạch An nói chung, trong đó có xã Đức Thông đã không ngừng đứng lên kề vai sát cánh cùng quân và dân Cao Bằng, góp phần cùng cả nước đánh bại những cuộc xâm lăng của các thế lực phương Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, giữ yên bờ cõi.

Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, được Đảng giáo dục và lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân xã Đức Thông đã không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, cùng nhân dân cả nước anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc xã Đức Thông đã không tiếc sức người, sức của, cùng cả nước đồng lòng, góp sức đánh đuổi kẻ thù xâm lược, góp phần giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối.

Cùng dòng chảy của lịch sử dân tộc, nhân dân các dân tộc xã Đức Thông đã hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Truyền thống ấy là sức mạnh tinh thần vô giá để hôm nay, đồng bào các dân tộc xã Đức Thông tiếp tục gìn giữ, phát huy, năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hoá đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương; tận dụng các tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo thế và lực mới để vững bước đi lên.

Thực hiện: Thuý Thoa

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ xã Đức Thông

Tin liên quan

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐỨC THÔNG

Thành phần của Trang Thông tin điện tử huyện Thạch An

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Đức Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thông

Địa chỉ: Xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Email: ubndxaducthong@caobang.gov.vn       Điện thoại: 0816 787 409

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử xã Đức Thông (hoặc https://ducthong.thachan.caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang