Tin mới nhất






Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN XÃ ĐỨC THÔNG

Xã Đức Thông (Thạch An) trước Cách mạng Tháng Tám 1945 là thôn Huy Giáp thuộc xã Minh Khai và xã Đường Âm, tổng Xuất Tỉnh, châu Thạch An. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, từ năm 1945 - 1947, xã mang tên Minh Khai, từ năm 1950 - 1957, xã mang tên Canh Tân. Năm 1958, xã tách ra từ xã Canh Tân và lấy tên gọi chính thức là xã Đức Thông. Tên xã được đặt theo bí danh của một liệt sĩ thời kỳ chống Pháp là Nông Văn Thởi, ở thôn Bản Tuổm, hy sinh ở Pác Bjoóc, xã Quang Trọng.

Thời Pháp thuộc, đường ở Đức Thông chỉ là đường mòn, rất khó đi lại nên thực dân Pháp không đóng đồn ở xã. Cuối năm 1941 đầu 1942, phong trào Việt Minh phát triển mạnh, nhân dân các dân tộc bí mật bảo vệ cán bộ cách mạng qua địa phương. Nhiều đồng chí người địa phương tham gia các tổ chức Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Việt Minh. Khi Cách mạng Tháng Tám 1945 nổ ra dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, nhân dân nổi lên giành chính quyền cùng cả nước, lấy kho thóc của địch lập thành quỹ thóc địa phương.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cách mạng, nhân dân Đức Thông một lòng tham gia vào cuộc kháng chiến và xây dựng địa phương, xã có 17 người đi bộ đội, 2 đồng chí hy sinh; riêng thôn Huy Giáp có 12 người tham gia du kích tại xã.
Năm 1950, tại suối Tua Diến thuộc thôn Nà Mèng, xã tổ chức mít tinh và sang Minh Khai vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch, lập quỹ “Nghĩa Xương” để nuôi bộ đội và cán bộ qua lại. Khi quân ta mở Chiến dịch Biên giới năm 1950, địch ráo riết phá hoại địa phương, chúng cho máy bay ném bom và dùng súng máy bắn xuống gây nhiều thiệt hại.

anh tin bai

Trung tâm xã Đức Thông, Thạch An. Ảnh: Thế Vĩnh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, cả xã có 80 thanh niên đi bộ đội, trong đó 11 người hy sinh.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, xã Đức Thông là hậu cứ của các đơn vị quân đội bám chốt ở Quốc lộ 4 - Nặm Nàng và cũng là con đường sơ tán của nhân dân các xã trong huyện. Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm cho cán bộ, bộ đội, giúp đỡ đồng bào sơ tán. Đức Thông có 124 thanh niên lên đường nhập ngũ, 2 chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh biên giới.

Về tổ chức Đảng, năm 1951 - 1952, ông Ma Văn Đằng (tức Thiên Văn) làm bí thư Chi bộ xã Canh Tân. Năm 1958 - 1960, mới tách ra từ xã Canh Tân nên Đức Thông còn ít đảng viên, chỉ thành lập chi bộ liên xã. Năm 1960, Đảng bộ xã được thành lập.

Trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, xã có 4 lão thành cách mạng; xã được tặng Huân chương Chiến công; 2 cá nhân được tặng Huân chương Chiến công chống Mỹ, cứu nước; 59 người được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.   

Thực hiện: Dạ Đăng

Nguồn: Báo Cao Bằng

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐỨC THÔNG

Thành phần của Trang Thông tin điện tử huyện Thạch An

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Đức Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thông

Địa chỉ: Xã Đức Thông, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng

Email: ubndxaducthong@caobang.gov.vn       Điện thoại: 0816 787 409

Ghi rõ nguồn Trang thông tin điện tử xã Đức Thông (hoặc https://ducthong.thachan.caobang.gov.vn) khi trích dẫn thông tin từ địa chỉ này.

Chung nhan Tin Nhiem Mang